Sau hơn năm năm chờ đợi, Bến xe phía Nam Đà Nẵng chuẩn bị có tuyến xe buýt kết nối đầu tiên vào trung tâm TP.
Ngày 27-12, tin từ Sở GTVT TP Đà Nẵng cho hay UBND TP vừa đồng ý chủ trương theo đề xuất của sở này về việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt trợ giá trên địa bàn.
Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng cho phép điều chỉnh kéo dài tuyến xe buýt số 07 (Xuân Diệu - Phạm Hùng) từ trạm xe buýt Phạm Hùng qua quốc lộ 1, kết thúc tại điểm cuối là Bến xe liên tỉnh phía Nam.
Theo lộ trình mới, chiều dài tuyến xe buýt số 07 sẽ tăng thêm 3,5 km. Tổng số xe hoạt động trên tuyến số 07 là 10 chiếc, tần suất hoạt động giờ cao điểm 10 phút/chuyến, giờ thấp điểm 20 phút/chuyến. Số chuyến đi và về trong ngày là 120 chuyến. Thời gian hoạt động hằng ngày từ 5 giờ đến 21 giờ.
Đây là một trong nhiều tuyến buýt trợ giá tại Đà Nẵng với giá vé 5.000 đồng/người/lượt. Vé tháng cho hành khách thuộc diện ưu tiên là 45.000 đồng, diện không ưu tiên 90.000 đồng.
Ngoài ra, quyết định của UBND TP Đà Nẵng cũng đồng ý rút ngắn tuyến xe buýt số 08 (Thọ Quang - Miếu Bông) từ điểm cuối Miếu Bông về lại điểm cuối trạm xe buýt Phạm Hùng.
Thời gian triển khai thực hiện việc điều chuyển hai tuyến buýt kể trên từ ngày 1-1-2018.
Như đã đưa tin, ngày 24-9-2012, Bến xe phía Nam Đà Nẵng do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư bắt đầu đi vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư 150 tỉ đồng theo lời kêu gọi xã hội hóa của UBND TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên, đến nay Bến xe phía Nam lâm cảnh đìu hiu vì nhiều lý do. Trong đó có việc ngành GTVT TP “bỏ rơi” việc điều chỉnh luồng tuyến các chuyến xe, chậm đưa các tuyến buýt kết nối vào bến. Trong khi khoảng cách từ Bến xe phía Nam vào trung tâm TP đến 13 km.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng đã chỉ đạo Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu di dời Bến xe trung tâm TP (quận Cẩm Lệ) lên phía Bắc, trở thành Bến xe phía Bắc đúng nghĩa theo quy hoạch chung TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TẤN VIỆT