Việc doanh nghiệp Việt thực hiện M&A để sở hữu các công ty phụ trợ nước ngoài là xu hướng cần khuyến khích để chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chủ động và thức thời.
Thời gian qua, thay vì bị thâu tóm, nhiều đại gia Việt đã làm ngược lại, chi bộn tiền để làm chủ doanh nghiệp ngoại, tiêu biểu là Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Tập đoàn này liên tục thực hiện các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) để sở hữu các công ty sản xuất linh kiện điện tử hoạt động ổn định ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mới đây, Đức Long Gia Lai đã mua 100% vốn và sáp nhập công ty Hanbit (Hàn Quốc) chuyên sản xuất các mặt hàng về thẻ nhớ, board mạch, đèn led cung cấp cho Hyundai, LG... Trước đó Đức Long Gia Lai cũng tiến hành M&A nhà máy điện tử Quality Systems Integrated Corporation (QSIC) của Mỹ tại Khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) đánh giá cao bước đi này của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là Đức Long Gia Lai. Theo đó, việc đáp ứng được các nhu cầu về công nghiệp phụ trợ của các công ty đa quốc gia là một trong những đòi hỏi lớn của Việt Nam nhằm đem lại môi trường đầu tư tốt nhất, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam còn quá yếu để đáp ứng các linh kiện, phụ kiện cho các đối tác khi họ đầu tư vào Việt Nam.
"Bởi doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu về công nghiệp phụ trợ nên nhiều năm qua chúng ta thu hút FDI nhưng hiệu quả đối với việc phát triển công nghiệp Việt Nam nói chung cũng như sự kết nối giữa FDI với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam gần như bằng không. Vì thế, việc cần phải đáp ứng được các sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn lớn của nước ngoài là đòi hỏi vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay.
Có như vậy bản thân doanh nghiệp trong nước mới bắt tay được với các tập đoàn quốc tế, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó tạo ra mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu về công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp ngoại", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Khẳng định sự cần thiết phải phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng bắt đầu từ đâu thì vị chuyên gia thừa nhận, Việt Nam không có kinh nghiệm cũng như không hiểu biết nhiều về các mặt hàng và việc cung cấp các mặt hàng đó cho nền kinh tế. Chính vì thế, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đi tìm kiếm các doanh nghiệp phụ trợ của nước ngoài, chủ yếu là thông qua con đường M&A để từ đó có thể sản xuất các linh kiện, phụ kiện phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia.
"Đây là việc làm thức thời và đáp ứng được đòi hỏi của việc phát triển nền công nghiệp. Thay vì ngồi chờ đợi thì nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động tìm kiếm đối tác nước ngoài để hợp tác", ông Thịnh nhấn mạnh.
Trước băn khoăn rằng khi Đức Long Gia Lai sở hữu một số công ty sản xuất linh kiện điện tử của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... có đồng nghĩa với việc sản phẩm của các doanh nghiệp phụ trợ nước ngoài này sẽ được gắn mác hàng Việt?, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định là không. Cụ thể, sản phẩm của các doanh nghiệp phụ trợ nước ngoài mà Đức Long Gia Lai vừa sở hữu sẽ là sản phẩm của quốc gia mà các doanh nghiệp này đang trú đóng trên đó.
"Sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài mà Đức Long Gia Lai thâu tóm sẽ gắn mác hàng của nước mà doanh nghiệp này đang trú đóng trên đó, chẳng hạn Made in USA, Made in Korea hay Made in Japan...
Về nguyên tắc, đây là các công ty con của công ty mẹ ở Việt Nam và công ty mẹ không được hưởng các ưu tiên, ưu đãi về thuế dành cho ngành công nghiệp phụ trợ.
Nếu công ty con là doanh nghiệp phụ trợ đang đóng ở Việt Nam thì sẽ được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi, chẳng hạn các ưu đãi về thuế mà Chính phủ Việt Nam đã quy định dành cho công nghiệp phụ trợ.
Còn nếu họ chỉ là các công ty con trú đóng ở nước ngoài thì họ phải chịu các nghĩa vụ về thuế cũng như hưởng các ưu đãi của nước đối tác nơi họ trú đóng vì bản thân doanh nghiệp đó khi thành lập và hoạt động ở nước ngoài vẫn là doanh nghiệp của nước sở tại.
Điều đó cũng giống như các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam. Nếu họ đến Việt Nam đầu tư thì sản phẩm của họ làm ra và xuất khẩu vẫn được gắn mác Made in Việt Nam. Như vậy, họ được hưởngchế độ ưu đãi của Chính phủ Việt Nam", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Vị chuyên gia này dẫn trường hợp của Samsung làm ví dụ. Sản phẩm của Samsung lâu nay vẫn được gắn mác hàng Việt (Made in Vietnam), nhờ đó Samsung được hưởng hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là ưu đãi về thuế. Về nguyên tắc Samsung được hưởng các ưu đãi này vì họ sản xuất tại Việt Nam nhưng vấn đề ở chỗ sản phẩm của Samsung có thực là hàng Việt Nam hay không?
"Đến 80% nguyên liệu sản xuất điện thoại Samsung nhập từ nước ngoài và gia công chi tiết ở Việt Nam chỉ chiếm 20%, thì họ chỉ được hưởng ở mức giá trị gia tăng thêm 20% chứ không thể được hưởng ở toàn bộ giá trị sản phẩm làm ra", ông Thịnh chỉ rõ.
Trở lại với trường hợp của Đức Long Gia Lai, theo PGS.TS Trọng Thịnh, một trong những nhà máy mà tập đoàn này thâu tóm là nhà máy điện tử Quality Systems Integrated Corporation (QSIC) của Mỹ tại Khu Công nghệ cao quận 9, TP.HCM. Bởi nhà máy này đóng tại Việt Nam nên nó sẽ được hưởng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam.
"Nếu là doanh nghiệp Mỹ nhưng trú đóng ở Việt Nam, sản xuất hàng hóa ở Việt Nam thì giá trị mà nó tăng thêm ở Việt Nam bao nhiêu thì doanh nghiệp sẽ được hưởng các ưu tiên, ưu đãi của chính phủ Việt Nam bấy nhiêu theo đúng chế độ chính sách của Việt Nam. Còn nếu chủ yếu nhập nguyên liệu từ nước ngoài và chỉ gia công "tý teo" ở VN thì doanh nghiệp ấy chỉ được ưu đãi trong giới hạn giá trị gia tăng ở Việt Nam".
Doanh nghiệp Việt lợi nhiều.
Về phía doanh nghiệp Việt khi thâu tóm các doanh nghiệp phụ trợ nước ngoài, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cái lợi họ được hưởng là rất nhiều, đặc biệt có thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, doanh nghiệp Việt sẽ nắm được ngay các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, nắm được các mối đầu ra, đầu vào của doanh nghiệp mà họ thâu tóm. Mặt khác, họ có được công nghệ sản xuất hàng phụ trợ của doanh nghiệp này và được thừa hưởng lượng khách hàng sẵn có của các doanh nghiệp ngoại.
"Điều quan trọng nhất trong việc mua bán-sáp nhập này đó là doanh nghiệp Việt sẽ tạo ra được vị thế đối với các doanh nghiệp FDI quốc tế, công ty đa quốc gia, có được các nhà máy, sản phẩm có thể cung cấp cho những doanh nghiệp này để từ đó có được thương hiệu, tên tuổi và các mối quan hệ.
Trên cơ sở đó, doanh nghiệp Việt sẽ xây dựng các chân rết - những doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất linh kiện, phụ kiện cho các doanh nghiệp ngoại vừa bị họ thâu tóm, tạo các giá trị rẻ hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của FDI và các công ty đa quốc gia.
Từ đây, mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI quốc tế với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước được hình thành. Trong trường hợp này, Đức Long Gia Lai được cả phần trên và phần dưới", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.
Khẳng định việc doanh nghiệpViệt thực hiện M&A để sở hữu các công ty phụ trợ nước ngoài là xu hướng cần khuyến khích để có thể chen chân được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu các doanh nghiệp này muốn được ưu tiên, ưu đãi họ phải đáp ứng những điều kiện nhất định.
Đầu tiên những công ty nước ngoài mà doanh nghiệp Việt thâu tóm phải thực sự là doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nghĩa là họ cung cấp các linh, phụ kiện cho các tập đoàn đa quốc gia, công ty kinh doanh quốc tế.
Trên cơ sở đó họ có thể tận dụng nguồn lao động, nguyên liệu ở Việt Nam để phát triển trong tương lai gần và xa cũng như tạo ra thói quen trong sản xuất, kinh doanh các chi tiết thuộc công nghiệp phụ trợ. Lúc đó Việt Nam mới nên có ưu tiên, ưu đãi đặc biệt với các doanh nghiệp này.