Tại Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL; HOSE: DLG), các dự án BOT thu phí đường bộ đóng góp đáng kể cơ cấu doanh thu của Tập đoàn. Sau khi được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép điều chỉnh tăng 15% giá vé, đây là điểm sáng tốt nhất để DLG gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới.
Trên cơ sở đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đã chấp thuận điều chỉnh giá vé của 44 dự án BOT với tổng số 48 trạm thu phí.
Trong số 44 trạm thu phí được Bộ GTVT cho phép điều chỉnh giá vé đợt này có 24 trạm trên Quốc lộ 1; 2 trạm trên Quốc lộ 5 và 1 trạm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; 4 trạm trên Quốc lộ 14; 2 trạm trên Quốc lộ 26; 2 trạm trên Quốc lộ 19…
Lý giải về tăng giá vé các dự án BOT, lãnh đạo DLG cho biết, các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm).
Mặc dù các dự án, trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019 - 2022, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần 2 nhưng vẫn chưa được tăng giá làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.
Vào ngày 21/12, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản số 8793/CĐBVN-TC chấp thuận thời điểm điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý. Trong đó Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai có 04 trạm thu phí thuộc dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn qua tỉnh Gia Lai và Đắk Nông.
Thời điểm thực hiện tăng giá vé từ 00h00 ngày 29/12/2023, mức giá điều chỉnh tăng là 15% (áp dụng đối với các phương tiện có trọng tải dưới 10 tấn).
Các trạm thu phí BOT của DLG nằm trên Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), đây là tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Các phương tiện giao thông lưu thông qua trạm thu phí BOT Gia Lai
Có thể nói, từ khi tuyến đường BOT Quốc lộ 14 được đưa vào sử dụng, đời sống của người dân hai bên tuyến đường này đã có sự thay đổi rõ rệt. Chuyện đi lại đã thuận tiện hơn rất nhiều, không còn cảnh các phương tiện xe máy khi lưu thông trên đường phải tránh ô tô, thường xuyên bị xe khách, xe tải ép sát lề đường mỗi khi tránh.
Chưa kể đến chuyện người dân phải chịu cảnh bụi mù mịt vào mà khô, lầy lội vào mùa mưa do con đường cũ xuống cấp trước đây. Cùng với đó, hai bên đường, nhiều nhà cửa cũng đã được tiến hành xây dựng và sửa chữa khang trang, xe cộ đông đúc và nhộn nhịp hơn rất nhiều, rút ngắn thời gian di chuyển giữa tỉnh Gia Lai, Kon Tum với TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay gần 9 năm, các trạm thu phí này luôn làm tốt công tác vận hành, điều tiết phương tiên lưu thông qua trạm. Chưa để xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông, mất an toàn khi phương tiện lưu thông qua trạm. Công ty cũng làm rất tốt công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ nên được các bộ, ban ngành và người dân đánh giá rất cao về chất lượng tuyến đường.