Từ năm 2018, DLG bắt đầu tập trung mạnh mẽ vào các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh thành trong cả nước…
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 với nhiều kế hoạch, chiến lược phát triển trong giai đoạn mới được HĐQT nhất trí thông qua.
Theo đó, giai đoạn 2018 -2022, DLG sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển các lĩnh vực trọng điểm với khả năng sinh lời cao, đặc biệt đầu tư đẩy mạnh các dự án hạ tầng tại Tp.HCM.
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch DLG khẳng định tại Đại hội: “ DLG hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Gia Lai đầu tư vào Tp.HCM với tổng vốn đầu tư lên đến 23.000 tỷ đồng”.
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT báo cáo tại Đại hội
Trong đó, 11.000 tỷ đồng bao gồm 10 dự án đã và đang được triển khai, 08 dự án Bất động sản nhà ở cao tầng với 6.300 căn hộ đang triển khai thi công, bán hàng và giao nhà tại Quận 7, quận 8 và quận Bình Tân, 01 nhà máy linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao, quận Giai đoạn 2018-2022, DLG tiếp tục dành 12.000 tỷ đồng đầu tư dự án cơ sở hạ tầng tuyến đường Tam Tân và nút xoay hợp long tại huyện Củ Chi, dự án công viên đa năng, khu thương mại, dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng và nhà ở tại đường Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Tp.HCM với quy mô 21,2 ha bao gồm 03 chức năng: Công viên đa năng, khu thương mại, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và nhà ở.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn mới của DLG. Ở lĩnh vực này, DLG phát triển theo hướng đa sản phẩm với các dòng chính bao gồm: Văn phòng, căn hộ, officetel, shop house, nhà liền kề, biệt thự liền kề, trung tâm thương mại và khu đô thị. Ngoài thị trường Tp.HCM, DLG cũng tập trung phát triển các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4, 5 sao trải dài từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Lâm Đồng, Đăk Nông và Gia Lai.
Ở lĩnh vực năng lượng, ngoài 04 dự án đã và đang đầu tư, DLG đang hoàn thiện thủ tục để đầu tư 04 dự án thủy điện tiếp theo trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc, nâng tổng công suất các Nhà máy thủy điện tại Tây Nguyên lên trên 300 MW.
Ngoài thủy điện, DLG sẽ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai với tổng công suất khoảng 800 – 1.000 MW trong vòng 5 năm tới.
Lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử trong thời gian tới sẽ ghi nhận thêm nguồn thu từ hoạt động của Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu CNC, Quận 9, Tp.HCM, sản xuất ra sản phẩm từ tháng 06/2018, doanh thu năm 2018 dự kiến 6 triệu USD.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ngoài việc đầu tư chăm sóc vườn cây cao su và đàn bò giống, DLG sẽ mở rộng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, trồng các loại cây Dừa sáp Makapuno, chuối, sắn…phục vụ cho xuất khẩu vào thị trường Đông Âu và Nhật Bản. Ngoài ra, DLG đã được UBND tỉnh Gia Lai chọn làm nhà đầu tư chiến lược duy nhất đấu giá mua cổ phần công ty Chè Biển Hồ và Cà Phê Gia Lai.
Với mục tiêu kế hoạch doanh thu 2018 đạt 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận 140 tỷ đã được HĐQT DLG thông qua tại Đại hội, ông Bùi Pháp cho biết DLG đã sẵn sàng các kế hoạch, chiến lược cụ thể để năm 2018 cán đích mục tiêu đề ra.
Mai Tiên