Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL).
Lợi thế cho các doanh nghiệp gỗ Việt
Sự kiện EVFTA dự kiến được thông qua vào đầu năm 2018, khi đó sẽ có hơn 90% sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU được hưởng thuể suất 0%.
Hiện tại, trong khối ASEAN mới có Việt Nam và Singapore ký kết hiệp định thương mại với EU. Vì vậy, gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn về canh tranh thị trường. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, EU có nhu cầu nhập khẩu khoảng 85 tỷ USD - 90 tỷ USD đồ gỗ/năm nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường này mới chỉ đạt 700 triệu - 800 triệu USD/năm. Hiệp định này sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ ra 28 nước khu vực EU thay vì chỉ có 5 nước chính (Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha) như hiện nay. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU có thể lên đến hàng tỷ USD mỗi năm.
Theo báo cáo của Vietfores, hiện Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu lớn ở Châu Á. Không những vậy, Việt Nam còn là quốc gia có nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào sẵn có, đặc biệt là nguồn cung gỗ từ trồng rừng và nguồn gỗ cao su với lượng khai thác ngày càng gia tăng. So với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia..., giá nhân công hiện nay tại Việt Nam tương đối thấp. Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi với các cảng nước sâu, đây là điều kiện quan trọng cho việc thông thương với các quốc gia khác.
Đồ gỗ nội thất là một trong những sản phẩm chủ lực của ĐLGL hiện nay
Tuy nhiên, việc gia nhập vào các thị trường khó tính đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có hướng đi riêng, đồng thời thực hiện nhiều thay đổi trong hoạt động, quản lý và mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Gỗ ĐLGL đón đầu cơ hội
Là doanh nghiệp với hơn 20 năm hình thành, phát triển từ lĩnh vực khai thác, chế biến gỗ, ĐLGL đã trở thành cái tên không còn xa lạ gì trên thương trường ngành gỗ. Theo đuổi dòng sản phẩm cao cấp, chất lượng, gỗ ĐLGL mang phong cách sang trọng, tinh tế, đảm bảo thị hiếu khách hàng, tiện dụng, tối ưu.
Không chỉ nổi tiếng tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm gỗ của ĐLGL đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật, Singapore, Thái Lan…
Hằng năm, lĩnh vực khai thác và chế biến gỗ đạt mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận từ 25-30%, trở thành một trong những lĩnh vực đóng góp ổn định vào sự tăng trưởng của ĐLGL. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, nắm bắt được cơ hội khi hiệp định EVFTA được thông qua, ĐLGL sẽ chủ động đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường sang nhiều nước châu Âu.
Sản phẩm Ghế chủ tọa
Ông Trần Xuân Sang, Quản lý Nhà máy chế biến gỗ số 3 (Thuộc Tập đoàn ĐLGL) cho biết: “Nhằm đón đầu cơ hội, công ty chúng tôi đầu tư mạnh hơn vào hệ thống công nghệ chế biến, sản xuất, nâng cao chất lượng hơn nữa, nhưng vẫn giữ gìn bản sắc riêng trong từng sản phẩm gỗ thương hiệu ĐLGL”.
Cũng theo ông Sang, EU một trong những thị trường tiêu thụ nội thất bằng gỗ lớn nhất thế giới, vốn khó tính và đòi hỏi liên tục đổi mới trong thiết kế. Vì vậy, trong thời gian tới, ĐLGL đẩy mạnh đầu tư về tính thẩm mỹ, nắm bắt thị hiếu khách hàng để từng bước xuất khẩu sang thị trường khó tính này.
Bên cạnh đó, ngành gỗ ĐLGL còn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường, lao động cũng như tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu sản xuất... Đó cũng là nền tảng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho ĐLGL tham gia sâu hơn vào thị phần các doanh nghiệp gỗ tại Châu Âu cũng như nhiều nước trên thế giới trong thời gian tới.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai có 03 công ty thành viên, với 4 nhà máy sản xuất cùng 7 dây chuyền chế biến sản phẩm gỗ hiện đại. ĐLGL áp dụng quy trình công nghệ chế biến gỗ và tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 -2000 và chứng chỉ FSC-CoC do Công ty SGS Anh Quốc cấp vào năm 2002.Gỗ ĐLGL tập trung vào 3 dòng sản phẩm chính: Đồ gỗ nội thất, sản phẩm sân vườn và ngoài trời.
|